TP. Chí Linh, Hải Dương: Cất cánh với những tiềm năng riêng

Từ 1/3/2019, Chí Linh trở thành thành phố thứ hai của tỉnh Hải Dương.

 

Phóng viên Báo TNVN phỏng vấn ông Lưu Văn Bản, Bí thư Thành ủy TP. Chí Linh về câu chuyện lợi thế và tiềm năng phát triển của thành phố này.

Ông Lưu Văn Bản, Bí thư Thành ủy TP. Chí Linh, Hải Dương.

          Thưa ông, Chí Linh đã được công nhận là thành phố. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng và lợi thế của Chí Linh?

         Chí Linh có một vị trí địa lý rất thuận lợi, nằm trong vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có hệ thống giao thông thuận lợi với đường sắt, đường bộ và đường sông, nơi tụ sơn, tụ thủy, địa linh nhân kiệt qua nhiều thế hệ, một vùng đất linh thiêng với bát cổ, gắn liền với lịch sử của đất nước qua các thời kỳ.

Từ một huyện miền núi của tỉnh Hải Dương, Chí Linh trở thành một thành phố nhưng diện mạo đô thị vẫn còn hạn chế, hạ tầng đô thị dù được chỉnh trang nhiều song vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng. Chí Linh có rất nhiều công việc cần phải làm về giáo dục, y tế, văn hóa, hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm... Chúng tôi xác định việc đầu tiên phải quan tâm là cải cách hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính ở các cơ quan đảng, chính quyền và các cấp ngành, từ TP. Chí Linh đến các xã, phường, khu dân cư; làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân đến giao dịch, làm việc thuận lợi, tránh lãng phí thời gian, tạo điều kiện cho phát triển. Bước đầu, Chí Linh đã làm tương đối tốt vấn đề này.

Thành phố Chí Linh có nhiều lợi thế để có thể phát triển thành một thành phố văn minh, hiện đại.    Ảnh: Trube.

          Để tạo dựng một môi trường đầu tư tốt, một mảnh đất có thể phát triển được thì phải huy động từ nhiều nguồn lực. Làm thế nào để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân đến với mảnh đất này nhìn thấy những lợi thế về vị trí địa lý, đồng thời phải có được sự thông thoáng về mặt thủ tục, có cơ hội đầu tư kinh doanh phát triển. Mong rằng Chí Linh không phát triển “nóng” mà phấn đấu phát triển thành một thành phố văn minh hiện đại với những dịch vụ, du lịch tâm linh gắn với nghỉ dưỡng cao cấp.

         

          Như ông vừa nói, trong quy hoạch đô thị của Chí Linh sẽ ưu tiên cho phát triển du lịch sinh thái, tâm linh và nghỉ dưỡng. Đây là một lựa chọn phù hợp với xu thế phát triển chung trong tương lai, nhưng lại không dễ dàng đối với một thành phố. Ông có chia sẻ gì về lựa chọn này?

 

          Về vị trí địa lý, Chí Linh là một vùng đồi núi gắn liền với các di tích lịch sử quốc gia, quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử cấp tỉnh. Từ những năm 980-981, thời vua Lê Đại Hành đã hành quân cùng với 5 anh em họ Vương đánh dẹp giặc Tống ở mảnh đất An Lạc, Chí Linh. Tiếp nối qua cả truyền thống đời nhà Trần, nhà Lê, rồi sau là nhà Mạc đều ghi dấu ấn ở mảnh đất Chí Linh. Nói về Chí Linh là nói đến các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới như: anh hùng Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản, Trần Nguyên Đán, nữ tiến sĩ Tinh Phi Cổ Tháp (tức là nữ tiến sĩ Sao Sa Nguyễn Thị Duệ), thầy giáo Chu Văn An... Có thể nói mảnh đất Chí Linh là nơi tụ sơn tụ thủy, địa linh nhân kiệt, gắn liền với các di tích lịch sử. Gắn liền với thiền phái Trúc Lâm Tam Tổ, Đệ Nhị, Đệ Tam. Vì thế, chúng tôi xác định quy hoạch cho mảnh đất Chí Linh theo hướng phát triển lâu dài gắn với văn hóa, lịch sử. Bởi vậy, không thể xây những tòa nhà cao tầng. Cần phải quy hoạch gắn với du lịch, tâm linh và nghỉ dưỡng, cần có những mảnh đất rộng để cho các nhà đầu tư đến. Đó cũng là điểm thuận lợi của Chí Linh. Hiện nay đã có một số tập đoàn lớn đầu tư vào Chí Linh. Tập đoàn FLC đang đầu tư vào hai khu, một là khu Bến Tắm khoảng 1.000ha, dự kiến khoảng 1 tỉ USD; hai là khu Mặc Ngạn, Đồng Lạc, gắn với cồn Vĩnh Trụ, khoảng 330ha. Ngoài ra còn Tập đoàn TMS, Tập đoàn TNG, Tập đoàn Tân Hoàng Minh... Rất nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư vào Chí Linh nhưng cũng phải chọn lọc.

 

          Việc nâng cấp lên thành phố là một niềm vui chung, nhưng làm thế nào để người có công, người nghèo, người yếu thế trong xã hội không bị đặt ra ngoài công cuộc đô thị hóa này?

         

          Qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, chiến tranh Biên giới, Chí Linh có 2.442 anh hùng, liệt sĩ hy sinh vì dân tộc. Thế hệ ngày nay luôn luôn trân trọng và biết ơn sự hy sinh của những bậc cha anh, đã vì mảnh đất, vì quê hương, vì nền độc lập của dân tộc mà ngã xuống. Vì thế, Chí Linh rất chú trọng quan tâm đến đời sống của người có công với cách mạng, người yếu thế trong xã hội.

          Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội đối với Chí Linh được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở đây được đánh giá là thấp nhất tỉnh, sau khi trừ các hộ bảo trợ xã hội thì chỉ còn 1,2%, tương đương với 919 hộ nghèo. Toàn bộ hộ nghèo trên địa bàn Chí Linh được quan tâm đặc biệt. Người dân trên địa bàn TP. Chí Linh khó khăn về nhà ở được quan tâm, hỗ trợ xây nhà, mỗi ngôi nhà được hỗ trợ 70 triệu đồng bằng nguồn xã hội hóa.

Đối với người có hoàn cảnh khó khăn, lang thang, cơ nhỡ, không nơi nương tựa, mồ côi hoặc người già cô đơn, khó khăn, thì thống kê trên địa bàn toàn thành phố đến thời điểm này có 141 trường hợp. Ngoài trợ cấp của nhà nước, TP. Chí Linh có chính sách hỗ trợ thêm 500 ngàn đồng/người/tháng.

          Sau khi lên thành phố, Chí Linh còn 5 xã khó khăn gồm: Nhân Huệ, Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Hưng Đạo. Chúng tôi đưa ra chủ trương riêng, là tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, tất cả các tuyến đường trong dân, liên thôn, liên xóm, cần làm đường thì thành phố hỗ trợ 100% bê tông và thiết kế cơ sở, dân bỏ ngay công ra làm.

         

          Ngoài phát triển du lịch, trong chiến lược phát triển kinh tế của TP. Chí Linh còn chú trọng tới những mảng nào, thưa ông?

          Chí Linh có một lợi thế rất đặc biệt, đó là ngành nông nghiệp phát triển tốt. Vì vậy, chúng tôi quan tâm đến vùng sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nhân dân vùng này có việc làm, tăng thu nhập để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Cụ thể, toàn bộ vùng rau Nhân Huệ, cả xã Nhân Huệ có tới gần 150ha đất phù sa ven sông, gắn với sông. Trong những năm qua, nhân dân ở đây sản xuất mang tính tự cung tự cấp, tự phát, vì thế, giá trị của cây hoa màu của bà con thấp. Chúng tôi mở thông một tuyến đường giao thông xuống tận nơi, tạo điều kiện cho các thương lái có thể đi các xe lớn vào, thông thương để nâng cao giá trị hàng hóa của người dân. Chúng tôi cung ứng lắp đặt toàn bộ hệ thống tưới tiêu vào tận ruộng đồng cho bà con, để bà con được hưởng lợi qua việc sản xuất; hỗ trợ toàn bộ nhà màng, nhà lưới để bà con sản xuất rau sạch, rau an toàn. Thành phố hỗ trợ về mặt khoa học công nghệ, thuốc bảo vệ thực vật để định hướng và chỉ đạo, yêu cầu bà con sản xuất những loại rau an toàn phục vụ cho người dân Chí Linh, cho tỉnh Hải Dương, sau đó là các tỉnh lân cận, hiện nay đã và đang thành công.

          Chí Linh có 23km đường sông, bờ đê sông, gắn với đó là vùng nuôi trồng thủy sản, có 9.600ha, sản lượng hằng năm lên tới 5.640 tấn, nguồn thu từ cá mỗi năm ở Chí Linh là gần 200 tỷ đồng.

          Chí Linh có một số cây đặc sản tuy không phải là sản phẩm nổi tiếng của địa phương nhưng vẫn cho thu nhập tốt, như 4.160ha cây vải thiều mỗi năm cho thu nhập gần 200 tỷ đồng; 700ha na hằng năm cho thu nhập khoảng 250 tỷ đồng; trên 600ha nhãn mang lại thu nhập khoảng trên 300 tỷ đồng.

Ngoài ra, Chí Linh còn có sản phẩm nổi tiếng là gà đồi, sản lượng trên 3 triệu con/năm, cho thu nhập khoảng 1.200 tỷ đồng. Vì vậy, đến thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người của Chí Linh đang thuộc diện cao nhất tỉnh Hải Dương khoảng 75 triệu đồng/người/năm. Đời sống của nhân dân ngày càng cải thiện. Đa phần nhân dân ủng hộ và rất tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng, cũng như tin vào sự đổi mới của thành phố.

          Trân trọng cảm ơn ông!

Bùi Cư - Thu Thùy thực hiện

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận